Đấng Hằng Sống Ở với Chúng Ta Mãi Mãi
Vatican News (08.04.2023) - Lúc 12:00 trưa giờ Roma ngày 9/4/2023, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đọc Sứ điệp Phục Sinh và ban phép lành Urbi et Orbi.
Anh chị em thân mến, Chúa Kitô đã Phục Sinh!
Hôm nay chúng ta tuyên xưng rằng Người, Chúa sự sống của chúng ta, là “sự sống lại và là sự sống” của thế giới (x. Ga 11,25). Đó là sự Phục Sinh, có nghĩa là “cuộc vượt qua”, bởi vì nơi Chúa Giêsu, cuộc vượt qua mang tính quyết định của nhân loại đã hoàn tất: từ cái chết đến sự sống, từ tội lỗi đến ân sủng, từ sợ hãi đến tin tưởng, từ cô đơn đến hiệp thông. Trong Người, Chúa của thời gian và lịch sử, tôi muốn nói với tất cả anh chị em, với niềm vui trong tâm hồn: Chúc Mừng Lễ Phục Sinh!
Anh chị em thân mến, ước mong đó là một cuộc vượt qua từ gian truân đến an ủi đối với mỗi người trong anh chị em, đặc biệt là những người đau yếu và nghèo khổ, những người cao tuổi và những ai đang trải qua những giây phút thử thách và mệt mỏi. Chúng ta không đơn độc: Chúa Giêsu, Đấng Hằng Sống, ở với chúng ta mãi mãi. Xin cho Giáo hội và thế giới vui mừng hân hoan, vì hôm nay những hy vọng của chúng ta không còn đụng phải bức tường sự chết nữa, nhưng Chúa đã mở cho chúng ta một nhịp cầu dẫn đến sự sống. Vâng, thưa anh chị em, nơi sự Phục sinh, số phận của thế giới đã thay đổi và hôm nay, cũng trùng với ngày có thể là đúng ngày Chúa Kitô phục sinh nhất, chúng ta có thể vui mừng cử hành, nhờ ân sủng thuần khiết, ngày quan trọng và đẹp đẽ nhất trong lịch sử.
Chúa Kitô đã sống lại, Người đã thực sự sống lại, như được loan báo trong các Giáo hội Đông phương. Điều đó thực sự nói với chúng ta rằng hy vọng không phải là ảo ảnh, đó là sự thật! Và hành trình của nhân loại, từ lễ Phục sinh trở đi, được đánh dấu bằng niềm hy vọng, sẽ tiến nhanh hơn. Những nhân chứng đầu tiên của sự Phục sinh cho chúng ta thấy điều này qua tấm gương của họ. Các sách Tin Mừng thuật lại sự vội vàng tốt lành của các phụ nữ khi “các bà chạy đi báo tin cho các môn đệ” (Mt 28,8) vào ngày Phục Sinh. Và, sau khi bà Maria Mađalêna “chạy đến với ông Simon Phêrô” (Ga 20,2), thì Gioan và chính Phêrô “cả hai cùng chạy” (x. câu 4) để đến nơi chôn cất Chúa Giêsu. Và rồi chiều Phục Sinh, khi gặp Đấng Phục Sinh trên đường Emmaus, hai môn đệ “lên đường ngay” (Lc 24,33) và vội vã vượt qua chặng đường dài hàng cây số, với những con dốc, và trong bóng tối, xúc động vì niềm vui Phục Sinh không thể kìm nén được đang đốt cháy tâm hồn họ (xem câu 32). Cũng chính bởi niềm vui đó mà Phêrô, trên bờ biển Galilêa, khi nhìn thấy Chúa Giêsu phục sinh, đã không thể nán lại trên thuyền với những người khác, mà lập tức nhảy xuống nước, bơi thật nhanh để gặp Người (x. Ga 21:7). Nói tóm lại, vào Lễ Phục Sinh, cuộc hành trình gia tăng tốc độ và đi nhanh hơn, bởi vì nhân loại nhìn thấy mục tiêu hành trình của mình, ý nghĩa vận mệnh của mình, là Chúa Giêsu Kitô, và được kêu gọi nhanh chóng đến với Người, niềm hy vọng của thế giới.
Chúng ta cũng hãy nhanh chóng tăng tốc trên hành trình tin tưởng lẫn nhau: tin tưởng giữa các cá nhân, giữa các dân tộc và các quốc gia. Chúng ta hãy ngạc nhiên trước lời loan báo hân hoan về sự Phục Sinh, trước ánh sáng chiếu rọi bóng đêm và những điều tăm tối thường bao trùm thế giới.
Chúng ta hãy nhanh chóng vượt qua những xung đột và chia rẽ, và mở rộng trái tim của chúng ta với những người đang cần giúp đỡ nhất. Chúng ta hãy nhanh chóng bước đi trên con đường hòa bình và tình huynh đệ. Chúng ta hãy vui mừng trước những dấu hiệu cụ thể của niềm hy vọng đến với chúng ta từ rất nhiều quốc gia, bắt đầu từ những quốc gia cung cấp sự trợ giúp và lòng hiếu khách cho những người chạy trốn chiến tranh và nghèo đói.
Tuy nhiên, trên đường đi, vẫn còn nhiều tảng đá khiến chúng ta vấp ngã, làm cho cuộc hành trình của chúng ta tiến đến với Chúa Phục Sinh trở nên gian nan và vất vả. Chúng ta hãy cầu khẩn Người: Xin giúp chúng con chạy đến với Ngài! Xin giúp chúng con mở rộng tâm hồn!
Xin hãy giúp đỡ dân tộc Ucraina thân yêu trên con đường đi đến hòa bình, và xin toả lan ánh sáng Phục sinh cho dân tộc Nga. Xin an ủi những người bị thương và những người mất người thân trong chiến tranh và cho các tù nhân có thể bình an trở về với gia đình của họ. Xin mở rộng trái tim của toàn thể cộng đồng quốc tế để họ hành động nhằm chấm dứt cuộc chiến này và tất cả các cuộc xung đột đang làm đẫm máu thế giới, bắt đầu từ Syria, đất nước vẫn đang chờ đợi hòa bình. Xin nâng đỡ những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất dữ dội ở Thổ Nhĩ Kỳ và ở chính Syria. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người đã mất gia đình và bạn bè và những người không còn nhà cửa: xin cho họ nhận được sự an ủi từ Thiên Chúa và sự giúp đỡ từ đại gia đình của các quốc gia.
Vào ngày này, lạy Chúa, chúng con xin phó thác cho Chúa thành Giêrusalem, chứng nhân đầu tiên về sự Phục sinh của Chúa. Xin cho cuộc đối thoại giữa người Do Thái và người Palestine được nối lại, trong bầu không khí tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau, để hòa bình ngự trị tại Thành Thánh và khắp trong Vùng.
Lạy Chúa, xin giúp đỡ nước Libăng, quốc gia vẫn đang tìm kiếm sự ổn định và thống nhất, để vượt qua sự chia rẽ và mọi công dân cùng nhau làm việc vì lợi ích chung của đất nước.
Xin Chúa đừng quên những người dân Tunisia thân yêu, đặc biệt là những người trẻ tuổi và những người đang phải chịu đựng những vấn đề xã hội và kinh tế, để họ không mất hy vọng và cộng tác trong việc xây dựng một tương lai hòa bình và huynh đệ.
Xin Chúa nhìn đến Haiti, quốc gia đã nhiều năm gánh chịu cuộc khủng hoảng nhân đạo và chính trị xã hội nghiêm trọng, đồng thời xin nâng đỡ sự dấn thân của các chủ thể chính trị và cộng đồng quốc tế trong việc tìm kiếm một giải pháp dứt khoát cho nhiều vấn đề đang ảnh hưởng đến dân tộc đang gặp nhiều khó khăn đó.
Xin củng cố các tiến trình hòa bình và hòa giải được thực hiện ở Ethiopia và Nam Sudan, đồng thời xin chấm dứt bạo lực ở Cộng hòa Dân chủ Congo.
Lạy Chúa, xin nâng đỡ các cộng đồng Kitô hữu cử hành lễ Phục sinh hôm nay trong những hoàn cảnh đặc biệt, như ở Nicaragua và Eritrea, và xin nhớ đến tất cả những người bị ngăn cản không được tự do và công khai tuyên xưng đức tin của mình. Xin an ủi các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố quốc tế, đặc biệt là ở Burkina Faso, Mali, Mozambique và Nigeria.
Xin giúp Myanmar đi trên con đường hòa bình và xin soi sáng trái tim của những người có trách nhiệm để những người Rohingya bị áp bức tìm được công lý.
Xin an ủi những người tị nạn, những người bị trục xuất, những tù nhân chính trị và những người di cư, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, cũng như tất cả những ai đang phải chịu cảnh đói nghèo và những tác hại của việc buôn bán ma túy, buôn người và mọi hình thức nô lệ. Lạy Chúa, xin soi sáng cho các nhà lãnh đạo của các quốc gia, để không một người nào bị phân biệt đối xử và nhân phẩm của họ bị chà đạp; để trong sự tôn trọng đầy đủ các quyền con người và dân chủ, các vết thương xã hội này được chữa lành, đồng thời chỉ và luôn tìm kiếm lợi ích chung của các công dân, đảm bảo an ninh và các điều kiện cần thiết cho đối thoại và chung sống hòa bình.
Anh chị em thân mến, chúng ta cũng hãy tìm lại hương vị của cuộc hành trình, chúng ta gia tăng nhịp đập của hy vọng, chúng ta hãy nếm trải vẻ đẹp của Thiên Đàng! Hôm nay chúng ta hãy kín múc những nghị lực để tiến bước trong cuộc gặp gỡ tốt đẹp với Đấng Tốt lành, Đấng không làm chúng ta thất vọng. Và nếu, như một Giáo Phụ xưa đã viết, “tội lỗi lớn nhất là không tin vào quyền năng của sự Phục Sinh”, (SAINT ISAAC OF NINEVE, Sermones ascetici, I,5), thì ngày nay chúng ta hãy tin rằng: “Vâng, chúng con chắc chắn: Chúa Kitô đã thực sự sống lại" (Ca Tiếp liên). Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin vào Chúa, chúng con tin rằng cùng với Chúa, niềm hy vọng được tái sinh, cuộc hành trình tiếp tục. Lạy Chúa, Chúa của sự sống, xin khích lệ các cuộc hành trình của chúng con và cũng lặp lại với chúng con, như với các môn đệ vào chiều Phục Sinh: ‘Bình an cho anh em!’” (Ga 20,19.21).