Việc Cuối Cùng của Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI
Cuối buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư 28 tháng 12, Đức Phanxicô đã xin giáo dân cầu nguyện đặc biệt cho Đức Bênêđictô: “Tôi xin anh chị em một lời cầu nguyện đặc biệt cho giáo hoàng danh dự Bênêđictô XVI, người đã âm thầm nâng đỡ Giáo hội, ngài đang bị bệnh nặng.”
Kể từ khi từ nhiệm năm 2013, Đức Bênêđictô XVI đã nhiều lần nói về việc ngài mong chờ một cái chết thanh thản.
Tám giờ tối ngày 28 tháng 2 năm 2013, ngài xuất hiện lần cuối trước cửa sổ Castel Gandolfo và tuyên bố: “Tôi không còn là Giáo hoàng tối cao của Giáo hội Công giáo (…) Tôi chỉ đơn thuần là người hành hương bắt đầu chặng cuối hành trình trên trái đất này.” Bị tác động bởi căn bệnh kéo dài của Đức Gioan Phaolô II mà ngài là người cộng tác lâu năm trong chức vụ bộ trưởng bộ Tín Lý, Đức Bênêđictô đã lựa chọn từ nhiệm đứng trước tuổi già và viễn cảnh về một cái chết mà ngài cảm thấy đã gần kề.
Khi đó không ai nghĩ ngài sẽ sống lâu trong cương vị giáo hoàng danh dự (đã gần mười năm) so với thời gian ngài làm giáo hoàng (chưa đầy tám năm). Ngay cả những người làm việt trên các phương tiện truyền thông, chuẩn bị đưa tin về cái chết của ngài cũng đã thấy nhiều chuyên gia tôn giáo và các nhà vatican học qua đời trước ngài.
“Tôi không còn là Giáo hoàng tối cao của Giáo hội Công giáo (…) Tôi chỉ đơn thuần là người hành hương bắt đầu chặng cuối hành trình trên trái đất này.”
Nhà báo Jean Mercier của tờ La Vie, một người am tường về tư tưởng của Joseph Ratzinger đã mong chờ sẽ thấy giáo hoàng danh dự ‘tắt dần như ngọn nến’ vài tháng sau khi ngài từ nhiệm năm 2013. Cuối cùng, nhà báo đã qua đời năm 2018, trước ngài. Cũng vậy với nhà báo Henri Tincq, cựu chuyên gia về tôn giáo của báo Le Monde đã qua đời vì Covid năm 2020, và linh mục Dòng Tên người Đức Bernd Hagenkord, trưởng ban tiếng Đức của Đài phát thanh Vatican qua đời năm 2021.
Ngược với mọi mong chờ, tuổi thọ đáng kinh ngạc của Đức Bênêđictô XVI đã cho phép ngài kéo dài công việc trí tuệ với các bài đọc, bài viết, các cuộc phỏng vấn, đôi khi tạo ấn tượng khác biệt với Đức Phanxicô. Nhưng Đức Bênêđictô đã nhiều lần cho thấy ngài trung thành tuyệt đối với người kế nhiệm, đặc biệt vào tháng 3 năm 2018, ngài nói đến một “sự liên tục bên trong” giữa hai triều giáo hoàng.
Trong lần chào giáo dân cuối cùng tại Castel Gandolfo, ngài nói: “Tôi vẫn mong muốn hết lòng, hết tình yêu, bằng lời cầu nguyện, bằng suy tư, bằng tất cả nội lực của tôi để làm việc vì lợi ích chung và lợi ích của Giáo hội, của nhân loại.” Một đóng góp trong sự hiện diện thầm lặng đơn giản, trong mong manh của tuổi tác.
“Một người ông minh triết trong nhà”
Ngày 28 tháng 9 – 2014, giáo hoàng danh dự khi đó đã 87 tuổi, là một trong số 40.000 người tham gia ngày dành riêng cho người lớn tuổi ở Quảng trường Thánh Phêrô. Ngài không phát biểu và về trước thánh lễ, nhưng ngài tham dự giờ chứng từ, với sự hiện diện của nhiều ông bà và khoảng một trăm linh mục lớn tuổi.
Đức Phanxicô khi đó 77 tuổi, đã trìu mến chào giáo hoàng danh dự, ngài nói, sự hiện diện của giáo hoàng danh dự ở Vatican như “có một người ông minh triết trong nhà”. Sự kiện này là một trong những dịp hiếm hoi Đức Bênêđictô xuất hiện công khai trước giáo dân ở Quảng trường Thánh Phêrô, cùng với lễ phong thánh Đức Gioan-Phaolô II và Đức Gioan XXIII tháng 4 năm 2014, và khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót tháng 12. 2015.
Ngoài những lần xuất hiện hiếm hoi và chuyến đi Đức tháng 6 năm 2020 thăm người anh trai đau nặng, Đức Bênêđictô luôn ở đan viện Mẹ Giáo hội, thanh thản đón nhận hành trình cuối đời. Tựa đề quyển sách phỏng vấn với nhà báo Đức Peter Seewald, Những cuộc trò chuyện cuối cùng, xuất bản năm 2016 là những lời tâm sự thân mật và tự phát, làm cho các nhà quan sát vốn quen cách diễn tả hàn lâm của ngài ngạc nhiên.
“Đừng sợ!”
Nhưng theo giám mục thư ký riêng của ngài Georg Gänswein, thì di chúc thiêng liêng của Đức Bênêđictô nằm ở bức thư ngài viết ngày 8 tháng 2 năm 2022, sau khi ngài bị dính líu đến việc xử lý các vụ lạm dụng ở giáo phận Munich. “Chẳng bao lâu nữa, tôi sẽ phải đối diện với quan tòa cuối cùng đời tôi. Nhìn lại cuộc đời lâu dài của tôi, tôi có thể có nhiều lý do để kinh hãi và sợ, nhưng lòng tôi vẫn vui mừng vì tôi tin chắc Chúa không chỉ là quan tòa công bằng mà còn là người bạn, người anh đã đau khổ vì những thiếu sót của tôi, Ngài vừa là quan tòa, vừa là luật sư của tôi. Là kitô hữu cho tôi hiểu, và hơn thế nữa, tình bạn với quan tòa đời tôi giúp tôi tin tưởng bước qua cánh cửa tối tăm của cái chết.” Trong phần kết thúc ngài viết: “Điều Thánh Gioan kể ở chương đầu sách Khải Huyền luôn hiện trong tâm trí tôi: Lúc thấy Người, tôi ngã vật xuống dưới chân Người, như chết vậy. Người đặt tay hữu lên tôi và nói: ‘Đừng sợ! Ta đây…’.”
“Tình yêu chiến thắng cái chết”
Ngoài các bài viết, lần cuối ngài phát biểu trước công chúng là ngày 28 tháng 6 năm 2016. Cùng với Đức Phanxicô trong buổi lễ được tổ chức tại Vatican nhân dịp kỷ niệm 65 năm chịu chức linh mục, Đức Bênêđictô XVI đã nói một bài phát biểu ngắn nhưng sâu sắc, suy niệm về ý nghĩa của từ “Thánh Thể” qua từ nguyên thủy Hy Lạp “Eucharistòmen” có nghĩa đơn giản là “cám ơn”.
Vì thế câu cuối cùng của ngài trước máy vi âm cũng mang một giá trị đặc biệt: “Cuối cùng, chúng ta muốn hòa mình vào lời ‘tạ ơn’ Chúa, và như thế chúng ta thực sự nhận được sự mới mẻ của cuộc sống và sự trợ giúp để biến đổi bản thể thế giới: để nó không phải là thế giới của cái chết, mà là thế giới của sự sống; một thế giới trong đó tình yêu đã chiến thắng sự chết.”
Ngoài lời cám ơn của ngài với những người tổ chức sự kiện, nhưng chính cụm từ “tình yêu đã chiến thắng cái chết” mà cuộc hành trình của Đức Bênêđictô XVI kết thúc khi ngài ở trước công chúng và chính thức. Những từ chắc chắn diễn tả lòng trung thành của ngài với văn hóa của sự sống cho phép cái chết xảy ra không theo dự báo của con người, nhưng theo thời điểm của Thiên Chúa.