Đức Bênêđictô XVI, Bài Học Cao Cả về Đức Khiêm Nhường cho toàn Giáo hội

Trái ngược với hình ảnh công chúng gán cho ngài, Đức Bênêđictô qua đời ở tuổi 95 ngày 31 tháng 12 năm 2022 vẽ những khúc quanh của một triều giáo hoàng khiêm tốn hơn và nhân bản hơn.

Sự trớ trêu tàn nhẫn của lịch sử. Từ Đức Bênêđictô XVI, chúng ta chỉ giữ lại một điều: ngài từ nhiệm. Với việc “từ nhiệm” tháng 2 năm 2013, ngài đã thực sự làm mọi người ngạc nhiên. Trên tất cả, ngài đã có một hành vi gần như cách mạng, mà cho đến nay không ai có thể hình dung xảy ra với một giáo hoàng: người kế vị thánh Phêrô, người đại diện của Chúa Kitô không từ chức!

Nhân vật khá nhút nhát, miễn cưỡng xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, đã có thể cúi đầu chào từ giã một cách ngoạn mục. Lẽ ra chúng ta không nên ngạc nhiên trước việc từ nhiệm của ngài. Đó là một phần trong toàn bộ logic triều giáo hoàng của ngài. Chỉ cần lắng nghe đủ là thấy, nhưng chúng ta đã không lắng nghe đủ.

Buổi tối tháng tư năm 2005, lẽ ra chúng ta nên chú ý nghe những câu đầu tiên ngài tuyên bố ở Quảng trường Thánh Phêrô: “Tôi là người thợ khiêm nhường trong vườn nho của Chúa. “Người thợ khiêm nhường” chứ không phải “Anh chị em đừng sợ!” của người tiền nhiệm. Chúng ta chỉ thấy đây là hình ảnh của một phong cách, một câu trích trong Tin Mừng dùng trong dịp này. Không phải thế. Cả cuộc đời giáo hoàng của ngài, ngài xem mình là “người thợ khiêm tốn”, người chỉ ở đó để phục vụ Giáo hội và qua đó là phục vụ Chúa Kitô. Và việc từ nhiệm của ngài phải hiểu theo nghĩa này.

Những khúc quanh của một giáo hoàng khiêm tốn

Giáo hoàng khôi hài, sẵn sàng mặc những trang phục phụng vụ cổ xưa nhất, những phẩm phục mà nhiều người công giáo nhớ lại thời kỳ mà Giáo hội thống trị với “phong cách huy hoàng”, nhưng đồng thời lại cũng rất quan tâm đến những điểm yếu của chính mình, để giảm thiểu vai trò của mình. Phải thừa nhận Đức Bênêđictô không có sức mạnh của Đức Gioan Phaolô II, cũng không có sự nổi tiếng của một Đức Phanxicô. Mong manh, sống nội tâm, có vẻ như ngài bị nghiền nát giữa người tiền nhiệm và người kế nhiệm. Tuy nhiên, tám năm triều giáo hoàng của ngài chắc chắn để lại dấu ấn lịch sử cho Giáo hội nhiều hơn là kỷ niệm của những năm này để lại trên các phương tiện truyền thông. Trước hết, vì ngài đã đưa ra một bài học cao cả về đức khiêm nhường cho toàn Giáo hội.

Tất cả mọi sự trong thái độ của ngài, cách ngài thường nhắc lại vị trí xứng đáng của người kế vị thánh Phêrô, đặc biệt là ý muốn không đặt mình ở trọng tâm Giáo hội, đề xuất một chế độ giáo hoàng khác, khiêm tốn hơn và ít tuyệt đối hơn so với Đức Gioan-Phaolô II tiền nhiệm của ngài. Và cũng ít cá nhân hơn so Đức Phanxicô, người kế nhiệm ngài. Nhà quản lý kém – vụ Vatileaks làm hoen ố hình ảnh triều giáo hoàng của ngài ở nước ngoài rất nặng – giáo hoàng Ratzinger đã vẽ những khúc quanh cho trường hợp của mình khiêm tốn hơn, nhân bản hơn, điều này làm cho người công giáo chúng ta phải suy nghĩ trong thời mà các thần tượng chúng ta từng tin tưởng lần lượt người này người kia rơi rụng.

Một lần nữa, chúng ta cần lắng nghe người bị ám ảnh bởi những thất bại trong thế kỷ 20 của mình, người từ chối không xem những lệch lạc bi thảm, những ý thức hệ toàn trị vĩ đại là giải pháp duy nhất cho một xã hội không có Chúa, nơi chủ nghĩa cá nhân tự do và chủ nghĩa tư bản ngông cuồng nhất ngự trị. Trong một thế giới mất phương hướng nghiêng về cái mà ngài gọi là “thuyết tương đối”, một xã hội không còn biết bám vào những giá trị nào, Đức Bênêđictô XVI đề xuất một đường lối độc đáo, nhanh chóng bị châm biếm: trở về với Truyền thống. Vì Ratzinger không bao giờ muốn đi lui, cũng không muốn đóng băng thế giới công giáo trong một tư tưởng bất động.

Nhạy cảm và sáng suốt trước những căn bệnh và yếu kém của Giáo hội

Theo ngài, truyền thống phải được đổi mới, sống động, truyền cảm hứng. Đó là khả năng dựa vào ký ức của Thánh Kinh để hiểu hiện tại và đáp ứng tốt hơn trước những thách thức của tương lai. Có lẽ, ở thế kỷ 21 đang bị đe dọa tuyệt chủng sau những thảm họa mà chính chúng ta đã góp phần gây ra, một ngày nào đó chúng ta sẽ nhớ đến cụ già mặc áo trắng, người mời chúng ta rút ra từ quá khứ nguồn sức lực để giải phóng khỏi hiện tại…

Chúng ta thường nghĩ Đức Bênêđictô bảo vệ Giáo hội lo lắng như pháo đài bị bao vây. Lại một quan niệm sai lầm! Chưa bao giờ có một giáo hoàng nhạy cảm và sáng suốt về những căn bệnh và những điểm yếu đang gặm nhắm thể chế như ngài. Nhà thần học có uy tín cảm thấy nhiệm vụ của mình là phải giải quyết vấn đề, có lẽ là tồi tệ nhất trong lịch sử của Giáo hội công giáo trong 50 năm qua, vụ bê bối lạm dụng tình dục của một số linh mục. Từ quan điểm này, Đức Bênêđictô XVI đã có quan điểm ngược lại với người tiền nhiệm của mình, và cả với những người thuộc thế hệ của ngài, những người thường giảm thiểu quy mô của cuộc khủng hoảng. Trong chuyến đi Hoa Kỳ, rồi đi Malta, ngài khiêm tốn xin tha thứ cho những tội lỗi mà các linh mục của Giáo hội công giáo đã phạm.

Đó là những gì với người theo Thánh Augutinô, cơ bản là bi quan về bản chất con người, không thể tách rời Giáo hội vinh quang ra khỏi những lỗi lầm và sỉ nhục của chính nó: phần tối tăm là một phần không thể thiếu của Giáo hội. Như ngài đã nói năm 2010, tại Bồ Đào Nha, “áp bức lớn nhất của Giáo hội không đến từ bên ngoài mà từ bên trong chính mình”. Chính tinh thần tận căn này đã giải thích cách cơ bản và sâu sắc hành vi từ nhiệm của ngài.

Đối diện với một Giáo triều hoàn toàn quên đi tính hợp pháp của chính mình, kiên quyết duy trì các đặc quyền và quyền lực nhất thời của mình, Đức Bênêđictô XVI đã chọn sử dụng quyền lực thiêng liêng. Theo nghĩa này, việc từ chức của ngài là chuẩn bị cho triều giáo hoàng Đức Phanxicô một sự đổi mới cần thiết, bằng cách thực hiện công việc của Sự thật. Áp dụng cho bản thân những gì người thầy Augutinô của mình nói: “Ngài không cảm nhận mình được kêu gọi sống đời sống mục vụ, nhưng sau đó ngài hiểu ơn gọi của Chúa là trở thành người mục tử giữa người khác, như thế là ngài trao tặng ân sủng chân lý cho người khác.”

Marta An Nguyễn dịch

Next Post Previous Post