Tam Nhật Thánh trong Mùa Đại Dịch Covid-19

Huấn Thư Tông Thư

Đâu là dung nhan đích thực của Thiên Chúa?....

Trên cây thập tự giá. Chúng ta thấy được ở đó những nét của dung nhan Thiên Chúa. Anh chị em chúng ta đừng quên rằng cây thập tự giá này là ngai tòa của Thiên Chúa. Để giải thoát mình khỏi những thành kiến về Thiên Chúa, chúng ta hãy nhìn vào Tượng Chịu Nạn. Thế rồi sau đó chúng ta hãy mở Phúc Âm ra.

Trong những ngày này, tất cả đều cách ly và tại gia, đóng cửa, chúng ta hãy cầm lấy hai vật này trong tay: Tượng Chịu Nạn để nhìn ngắm; và mở Phúc Âm. Đối với chúng ta thì điều này có thể nói giống như một thứ phụng vụ tại gia quan trọng. Những vấn nạn ưu tư phiền muộn về sự dữ không phải là đùng một cái là hết đâu, mà là phải tìm thấy ở nơi Đấng Phục Sinh một nền tảng vững chắc giúp chúng ta không bị chìm đắm.

Xin chào anh chị em thân mến,

Trong những tuần lễ lo sợ về dịch bệnh đang gây cho thế giới quá nhiều đau khổ, thì trong số rất nhiều vấn nạn chúng ta đặt ra, cũng có cả những vấn nạn về Thiên Chúa nữa: Ngài đã làm gì trước tình trạng đau khổ của chúng ta? Đâu là tất cả những gì đã sai trái? Tại sao Chúa không giải quyết các vấn đề này mau chóng lên chứ? Đó là những vấn nạn chúng ta hỏi về Thiên Chúa. Câu chuyện về cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu đi kèm với chúng ta trong những ngày thánh này giúp chúng ta có được câu giải đáp. Thật vậy, ngay cả bấy giờ cũng có nhiều vấn nạn nữa. Dân chúng, sau khi nghênh đón Chúa Giêsu vinh thắng vào Thành Giêrusalem, đã tưởng rằng cuối cùng Người sẽ giải phóng dân chúng khỏi kẻ thù của họ (xem Luca 24:21). Họ đã trông mong một Vị Thiên Sai quyền năng vinh thắng bằng gươm giáo. Thế nhưng lại xuất hiện một vị hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, vị đến cho việc hoán cải và cho lòng thương xót. Thế rồi chính đám đông này, trước đó tung hô Người, lại la hò: "Đóng đanh" (Mathêu 27:23). Những ai đã theo Người, hoang mang và kinh hoàng, đã ruồng bỏ Người. Họ đã nghĩ rằng nếu số mệnh của nhân vật Giêsu này là thế thì Người không phải là Đấng Thiên Sai, vì Thiên Chúa là Đấng quyền năng, Thiên Chúa là Đấng bất khả thắng.

Tuy nhiên, nếu chúng ta tiếp tục đọc câu chuyện Khổ Nạn này, chúng ta thấy một sự kiện lạ lùng. Khi Chúa Giêsu chết, viên đại đội trưởng Roma vốn không phải là một tín hữu, không phải là người Do Thái mà là một người dân ngoại, kẻ đã trông thấy Người chịu khổ trên thập tự giá và đã nghe thấy Người tha thứ cho hết mọi người, kẻ đã được tình yêu của Người tác động khôn tả, liền lên tiếng tuyên xưng: "Thật sự người này là Con Thiên Chúa" (Marco 15:39). Một câu tuyên xưng ngược hẳn lại với những người khác. Viên quan này nói rằng đó là Thiên Chúa, Đấng thực sự là Thiên Chúa.

Hôm nay chúng ta có thể tự vấn: Đâu là dung nhan đích thực của Thiên Chúa? Thường những gì chúng ta là thì tất cả đều được lộ ra ở nơi Ngài, như sự thành đạt của chúng ta, cảm quan về công lý của chúng ta, bao gồm cả việc xúc phạm của chúng ta. Thế nhưng Phúc Âm lại nói với chúng ta rằng Thiên Chúa không phải là như vậy. Ngài khác hẳn, và chúng ta không thể tự mình biết được đâu. Đó là lý do tại sao Người đã đến gần gũi, đã đến để gặp gỡ chúng ta và đã tỏ mình Ngài ra một cách trọn vẹn nơi Phục Sinh. Nhưng tất cả sự kiện lại xẩy ra như thế nào? Trên cây thập tự giá. Chúng ta thấy được ở đó những nét của dung nhan Thiên Chúa. Anh chị em chúng ta đừng quên rằng cây thập tự giá này là ngai tòa của Thiên Chúa. Thật hữu ích cho chúng ta khi thinh lặng nhìn lên Đấng Tử Giá và thấy được Chúa của chúng ta là ai: Người đã không tố cáo ai, không tố cáo ngay cả những ai đóng đanh Người, mà mở rộng đôi cánh tay cho hết mọi người; Người không lấy vinh quang của mình để đè bẹp chúng ta, mà là để cho chúng ta lột trần trụi Người ra; Người không yêu thương chúng ta bằng lời nói xuông, mà bằng việc âm thầm hiến sự sống cho chúng ta; Người không ép buộc chúng ta mà là giải thoát chúng ta; Người không đối xử với chúng ta như khách lạ, mà là nhận lấy sự dữ của chúng ta, nhận lấy tội lỗi của chúng ta. Bởi vậy, để giải thoát mình khỏi những thành kiến về Thiên Chúa, chúng ta hãy nhìn vào Tượng Chịu Nạn. Thế rồi sau đó chúng ta hãy mở Phúc Âm ra. Trong những ngày này, tất cả đều cách ly và tại gia, đóng cửa, chúng ta hãy cầm lấy hai vật này trong tay: Tượng Chịu Nạn để nhìn ngắm; và mở Phúc Âm. Đối với chúng ta thì điều này có thể nói giống như một thứ phụng vụ tại gia quan trọng, bởi chúng ta không thể đến nhà thờ vào các ngày này.

Trong Phúc Âm chúng ta đọc thấy rằng khi dân chúng đến với Chúa Giêsu để tôn Người làm vua, chẳng hạn như sau phép lạ bánh hóa ra nhiều, thì Người rời đi (xem Gioan 6:15). Và khi ma quỉ muốn tiết lộ sự uy nghi cao cả thần linh của Người thì Người bắt chúng câm nín (xem Marco 1:24-25). Tại sao? Tại vì Chúa Giêsu không muốn bị hiểu lầm, Người không muốn dân chúng nhầm lẫn vị Thiên Chúa đích thật, Đấng là tình yêu khiêm hạ, với một thiên chúa giả tạo, với một thiên chúa trần tục phô trương và áp đặt bằng quyền lực. Người không phải là một thứ ngẫu tượng. Người chính là vị Thiên Chúa đã làm người, như mỗi người chúng ta, và đã tỏ mình ra như là một con người, nhưng bằng quyền năng của thần tính Người. Tuy nhiên, căn tính của Chúa Giêsu đã được long trọng công bố trong Phúc Âm khi nào? Khi viên đại đội trưởng nói "Người thật là Con Thiên Chúa". Câu nói được thốt ra ở đó, ngay khi Người trút hơi thở trên thập tự giá, vì người ta không còn có thể nhầm lẫn được nữa, ở chỗ người ta thấy Thiên Chúa toàn năng nơi yêu thương, chứ không phải nơi bất cứ cách thức nào khác. Đó là bản tính của Ngài, vì Ngài là như thế. Ngài tình yêu.

Anh chị em có thể lên tiếng chống lại rằng: "Tôi làm gì với một vị Thiên Chúa hèn yếu chết đi như thế chứ? Tôi thích một vị thần mạnh mẽ, một Thiên Chúa quyền năng cơ!". Thế nhưng, anh chị em biết, quyền lực của thế gian này đang qua đi, trong khi đó tình yêu thì lại tồn tại. Chỉ có tình yêu mới canh giữ sự sống chúng ta có thôi, vì nó bao gồm những mong manh mỏng dòn yếu kém của chúng ta và biến đổi chúng. Chính tình yêu của Thiên Chúa đã chữa lành tội lỗi của chúng ta lúc Phục Sinh, bằng ơn tha thứ của Người, một ơn ban biến sự chết thành một cuộc vượt qua của sự sống, một ơn ban đã biến nỗi sợ hãi của chúng ta thành niềm tin tưởng, biến nỗi sầu thương của chúng ta thành niềm hy vọng. Phục Sinh nói với chúng ta rằng Thiên Chúa có thể biến hết mọi sự thành tốt đẹp. Nhờ đó, với Ngài, chúng ta có thể thực sự tin tưởng rằng hết mọi sự rồi sẽ tốt đẹp. Đó không phải là một ảo tưởng, vì cái chết và cuộc phục sinh của Chúa Giêsu không phải là một ảo tưởng, mà là một sự thật! Đó là lý do tại sao chúng ta nghe thấy vào sáng Phục Sinh rằng: "Đừng sợ!" (xem Mathêu 28:5). Những vấn nạn ưu tư phiền muộn về sự dữ không phải là đùng một cái là hết đâu, mà là phải tìm thấy ở nơi Đấng Phục Sinh một nền tảng vững chắc giúp chúng ta không bị chìm đắm.

Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu đã biến đổi lịch sử bằng việc biến mình thành gần gũi với chúng ta, và làm cho nó, mặc dù vẫn còn hằn vết sự dữ, thành một thứ lịch sử cứu độ. Bằng việc hiến mạng sống mình trên thập tự giá, Chúa Giêsu cũng chế ngự cả sự chết. Từ con tim mở ra của Đấng Tử Giá, tình yêu của Thiên Chúa vươn tới từng người chúng ta. Chúng ta có thể thay đổi truyện đời của chúng ta bằng việc tiếp cận Người, chấp nhận ơn cứu độ được Người cống hiến cho chúng ta. Hỡi anh chị em, chúng ta hãy cởi mở tất cả tấm lòng của chúng ta ra trong nguyện cầu, trong tuần này, vào những ngày này đây, với Đấng Tử Giá và bằng Phúc Âm. Đừng quên nhé: Tượng Chịu Nạn và Phúc Âm. Việc phụng vụ tại gia sẽ là như thế đó. Chúng ta hãy mở tất cả cõi lòng của Người ra trong nguyện cầu, hãy để cho ánh mắt của Người nhìn đến chúng ta, và chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta không lẻ loi cô độc một mình đâu, mà là được yêu thương, vì Chúa không bỏ rơi chúng ta và chẳng bao giờ quên chúng ta. Với những ý nghĩ ấy, tôi chúc cho anh chị em được hưởng một Tuần Thánh và một Phục Sinh Thánh nhé.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch

Next Post Previous Post